Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Đền và chùa thôn Đồng
Thực hiện Quyết định số 1191/QĐ-UBND,
ngày 26 tháng 12
năm 2024 của
UBND tỉnh Ninh Bình về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Đền và chùa thôn
Đồng. Được sự nhất trí của Sở Văn hóa thể thao tỉnh
Ninh Bình, UBND huyện Yên Khánh, Thường trực Đảng ủy xã Khánh Lợi. Ngày 23/3/2025, UBND
xã Khánh Lợi long trọng tổ chức Lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh
Đền và chùa thôn Đồng.
Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Xuân Trường - trưởng phòng Di sản Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Ninh Bình, đồng chí Lâm Văn Xuyên- UV Ban thường vụ, Phó chủ tịch UBND huyện, đồng chí Nguyễn Cao Cường - Huyện ủy viên, Chủ tịch Ủy
ban MTTQ VN huyện, đồng chí Phạm Đăng Khoa - Phó phòng Văn hóa, Khoa học và thông tin cùng với các đồng chí lãnh đạo, cán bộ công chức xã Khánh Lợi và nhân dân trên địa bàn xã.
Chương trình văn nghệ mở đầu buổi lễ
Huyện
Yên Khánh nói chung, xã Khánh Lợi nói riêng luôn tự hào là vùng đất giàu truyền
thống văn hóa và cách mạng là địa phương còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn
hóa; đến thời điểm năm 2023 xã Khánh Lợi có tổng số 7 di tích được xếp hạng phân
bố ở 7 xóm, riêng di tích Đền và chùa thôn Đồng được UBND tỉnh xếp hạng di tích
lịch sử cấp tỉnh vào ngày 26/12/2024. Di tích lịch sử Đền và chùa thôn Đồng được
xây dựng để làm nơi thờ phụng hai vị tướng Cao Sơn, Cao Các phối thờ cụ Nguyễn
Uẩn (tại đền) và thờ Phật cùng Sơn Tinh Phu nhân (tại chùa).
Đồng chí Lâm Văn Xuyên- UV Ban thường vụ, Phó chủ tịch UBND huyện trao bằng công nhận Di tích lịch sử cho ban khánh tiết Đền và chùa thôn Đồng
Đồng chí Lê Xuân Nguyên - Bí thư Đảng ủy xã tặng hoa chúc mừng Ban khánh tiết Đền và chùa thôn Đồng
Đền
thôn Đồng được xây dựng từ lâu, theo truyền lại thì có từ thời Lê Sơ. Đền được
xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 2 toà Tiền đường và hậu cung.
Chùa
thôn Đồng được xây dựng thời nhà Nguyễn theo kiến trúc kiểu “chữ
Đinh”, gồm 5 gian Tiền đường kiểu cổ đẳng, 03 gian Thượng
điện chạy dọc tạo thành chuôi vồ. Kiến trúc tường hồi bít đốc.
Tuy đã trải qua nhiều biến cố của lịch sử nhưng được nhân dân gìn giữ, tu bổ,
tôn tạo, đến nay di tích vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống với nhiều hạng
mục công trình, nhiều hiện vật, đồ thờ tự trân quý như: Long đình, ngai thờ, hệ thống tượng
phật, bài vị, bát
hương, bia đá, sắc phong... Điều này thể hiện ý thức cao trong việc giữ gìn những
di sản văn hóa của người dân địa phương. Sự
tồn tại của các di tích như một sợi dây gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai
là mạch nguồn văn hóa linh thiêng từ ngàn xưa để lại, có ý nghĩa to lớn trong
việc giáo dục những truyền thống hào hùng và những nét đẹp văn hóa của dân tộc
cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Trong công cuộc
xây dựng nông thôn mới hiện nay, ngoài việc phát triển kinh tế, xã hội thì việc
nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng là một mục tiêu rất quan trọng. Trong đó, các thiết chế
văn hóa đóng vai trò then chốt. Để giữ
gìn và phát huy các giá trị di sản đó trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền xã
Khánh Lợi, khu dân cư xóm Đồng và nhân dân sẽ tiếp tục quan tâm, bảo tồn phát
huy tốt các giá trị của di tích thực hiện tốt luật di sản văn hóa và các quy định
của nhà nước để các di tích trên địa bàn xã Khánh Lợi tạo thành một quần thể
tâm linh đa dạng và đặc sắc góp phần thúc đẩy phát triển văn hoá du lịch; tạo động
lực góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh giàu đẹp.