Xây dựng huyện nông thôn mới Yên Khánh xứng đáng là một miền quê đáng sống

Sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Yên Khánh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM bao gồm toàn bộ 19 tiêu chí cấp xã và 9 tiêu chí cấp huyện và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định 1642/QĐ-TTG công nhận huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.


Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải tạo, nâng cấp, xây mới khang trang, mang dáng vóc hiện đại ở mỗi làng quê. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; hệ thống chính trị vững mạnh.

Yên Khánh là vùng đất văn hoá, khoa bảng và giàu truyền thống cách mạng. Phần lớn diện tích đất Yên Khánh trước đây là biển. Nhờ phù sa bồi đắp, cùng với thời gian, các thế hệ người dân Yên Khánh đã đồng lòng, chung sức, đấu tranh chống thiên tai, địch họa, ngày đêm cần cù quai đê, lấn biển, mở rộng, cải tạo đất đai, phát triển trồng trọt, chăn nuôi hình thành nên vùng đất Yên Khánh tươi đẹp, trù phú như ngày nay. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, người dân Yên Khánh đã luôn đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất chống quân xâm lược

Năm 1977 huyện Yên Khánh được chia tách nhập vào 2 địa phương là Tam Điệp và Kim Sơn. Sau 17 năm, ngày 1/9/1994, huyện Yên Khánh được tái lập. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo khí thế và động lực mới cho sự phát triển đi lên của huyện. Trải qua 25 năm, các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân huyện Yên Khánh đã phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường; vượt qua khó khăn, thách thức; ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết các kỳ đại hội Đảng bộ huyện, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Dấu ấn đầu tiên của huyện Yên Khánh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới đó là năm 2013, xã Khánh Thiện, Khánh Thành và Khánh Phú là 3 xã đầu tiên của huyện Yên Khánh và cũng là của tỉnh Ninh Bình được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và là 3 xã đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện lấy phiếu tín nhiệm về sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM.

Các năm tiếp theo mỗi năm có từ 3 - 4 xã về đích NTM; đến cuối năm 2017, 18/18 xã của huyện đạt chuẩn NTM, qua đó đã tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được Chính phủ tặng cờ Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015 và Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2017.

Vinh dự, tự hào hơn là tháng 11 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định công nhận huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện.

Nhớ những ngày đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (năm 2011), bên cạnh những thuận lợi cũng còn có nhiều khó khăn: Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường tỷ lệ đạt chuẩn thấp,… cần nguồn lực đầu tư lớn; số đơn vị hành chính cấp xã nhiều (18 đơn vị); tỷ lệ hộ nghèo còn cao 11,98%. Tuy vậy, Yên Khánh luôn xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia của toàn xã hội và cần có lộ trình hợp lý.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 05 về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; UBND huyện xây dựng Đề án số 02 về xây dựng nông thôn mới huyện Yên Khánh giai đoạn 2017 - 2020; tổ chức phát động phong trào “Toàn dân Yên Khánh chung sức xây dựng nông thôn mới”, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để triển khai, thực hiện; với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”.

Về Yên Khánh hôm nay, ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy sự khởi sắc trong diện mạo nông thôn mới. Đó là do phong trào thi đua xây dựng NTM được phát động sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn huyện, mang tính dân chủ, tự giác, nhiều cách làm hay, sáng tạo được triển khai, thực hiện và nhân ra diện rộng đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong 7 năm, huyện đã tổ chức trên 355 cuộc phát động thi đua với trên 75.000 lượt người tham gia; có 225 tập thể và 301 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 313 tập thể và 413 cá nhân được UBND huyện tặng giấy khen. UBND các xã đã tặng trên 4.000 giấy khen và phần quà cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM cả cấp xã và huyện, Yên Khánh đã huy động tổng nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới toàn huyện đạt 4.625.092 triệu đồng, trong đó vốn huy động của cộng đồng dân cư là 1.235.134 triệu đồng; vốn huy động từ nguồn khác (con em xa quê, các tổ chức, đơn vị hỗ trợ, tài trợ, …) 72.108 triệu đồng.

Nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp trên đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM đã được phân bổ, quản lý, sử dụng đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng; tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên công trình phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh thiết yếu như: giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, thôn, xóm, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, bãi xử lý rác thải tập trung và đầu tư phát triển sản xuất...

Đối với nguồn vốn của nhân dân đóng góp chủ yếu để thực hiện dồn điền đổi thửa, giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn xóm. Việc huy động đóng góp của nhân dân được thực hiện đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, do người dân tự bàn bạc, quyết định đầu tư dưới sự hướng dẫn, giám sát của chính quyền địa phương và không huy động quá sức dân.

Nhân dân trực tiếp quản lý, quyết định đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do mình đóng góp thông qua các Ban phát triển thôn, Ban giám sát cộng đồng nên đã đảm bảo được sự đồng thuận trong nhân dân, đáp ứng được yêu cầu tiến độ và chất lượng xây dựng công trình phúc lợi ở các thôn, xóm trên toàn huyện.

Trong đó, chỉ tính riêng phong trào làm đường giao thông nông thôn đã được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất, chặt cây, phá dỡ cổng, tường rào… để mở rộng mặt đường, cứng hóa, bê tông hóa đảm bảo mặt đường từ 3m trở lên. Đến cuối tháng 10/2018, toàn huyện đã nhựa hoá, bê tông hoá được 1.520 tuyến đường, với tổng chiều dài 224,7 km; nâng cấp 1.676 tuyến đường, tổng chiều dài 166 km tạo hệ thống giao thông thuận lợi thông suốt giữa các địa phương trong huyện, đến các huyện khác trong tỉnh cũng như đi tỉnh ngoài.

Các công trình thủy lợi, đầu mối tưới tiêu được triển khai thực hiện, phù hợp với điều kiện của địa phương, đảm bảo tưới, tiêu cho 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; đã xây mới, sửa chữa nâng cấp gần 3.000 cầu cống. Toàn huyện đã xây mới 18 trường, nâng cấp 41 trường, xây mới 205 phòng học, 20 phòng chức năng, nhà hiệu bộ... ; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 96,8%.

Từ năm 2011 đến hết năm 2017, đã xây mới thêm và cải tạo, nâng cấp được 205 nhà văn hóa thôn, xóm, với kinh phí bình quân 400 - 900 triệu đồng/1 nhà văn hóa; xây mới, cải tạo 18 sân thể thao xã và xây mới 15 nhà văn hóa trung tâm xã. Đến hết năm 2017, 18/18 xã có nhà văn hóa, khu thể thao; 265/268 thôn, xóm, phố có nhà văn hóa...

Thực hiện xây dựng NTM, cơ cấu kinh tế của huyện đã có chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Sau 25 năm tỷ trọng công nghiệp, TTCN, xây dựng tăng từ 46% lên 69,5%; dịch vụ chiếm 17,4% và nông nghiệp đã giảm từ 44% xuống còn 13,1%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân đã chú trọng trang bị kiến thức và được hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, đẩy mạnh sản xuất trên cánh đồng mẫu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tích tụ ruộng đất sản xuất nông sản sạch nhằm nâng cao thu nhập.

Diện tích gieo trồng hàng năm bình quân đạt 19.500 ha, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác tăng cao, năm 2011 đạt 127,5 triệu đồng/1 ha, năm 2017 đạt 130,8 triệu đồng/1ha. Trên địa bàn huyện có 250 mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao trong tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực trồng trọt: 42 mô hình; chăn nuôi: 108 mô hình; thủy sản: 87 mô hình; mô hình chuyển đổi, tích tụ ruộng đất 13 mô hình.

Các mô hình sản xuất được hình thành trên cơ sở liên doanh, liên kết 4 nhà, thực hiện theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao, đạt giá trị 200 – 250 triệu đồng/ha canh tác. Có nhiều mô hình đạt giá trị trên 500 triệu đồng/ha canh tác.

Để đồng hành cùng người dân trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hướng đến nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đã chỉ đạo các xã chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 và đã hoàn thành đổi 100% HTX. Sau chuyển đổi, các HTX hoạt động tích cực, từng bước ổn định và có sự tăng trưởng.

Cùng với nông nghiệp, sản xuất công nghiệp cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Trên địa bàn huyện có 2 cụm công nghiệp, với 37 cơ sở sản xuất công nghiệp, 3 HTX nghề, 2.201 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề, dịch vụ, 7 làng nghề với 371 cơ sở sản xuất đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động với thu nhập ổn định từ 4,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Huyện cũng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, gắn với vùng nguyên liệu và thị trường. Tập trung phát triển các nghề sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ như: chế biến nông sản, thêu ren, mộc, nề, cơ khí nhỏ. Đồng thời quan tâm tổ chức 120 lớp đào tạo nghề cho 3.660 học viên; 80 lớp chuyển giao kỹ thuật cho 2.250 lượt người.

Đáng ghi nhận là trên 85% lao động sau học nghề có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đạt từ 2,5 – 5,5 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề tăng theo từng năm, đạt gần 62% trong năm 2018; lệ lao động có việc làm trên địa bàn huyện năm 2018 đạt trên 93%.

Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách an sinh xã hội gắn với chương trình xây dựng NTM, huyện đã huy động được nhiều nguồn lực để trợ giúp, hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm, ưu đãi người có công... Với nỗ lực trong tổ chức thực hiện, công tác an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm tốt hơn, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,7%, hộ cận nghèo 4,1%.

Thành quả này là tiền để Yên Khánh tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong năm 2019 và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã đề ra. Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; đẩy mạnh phong trào xây dựng thôn xóm, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; hoàn thành tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao vào các khu, cụm công nghiệp; xây dựng các trung tâm thương mại; mở rộng hoạt động và hiệu quả các làng nghề.

Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội; chăm lo giải quyết việc làm cho người lao động và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mọi nỗ lực đều hướng đến mục tiêu xây dựng quê hương Yên Khánh-huyện nông thôn mới vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về nếp sống văn hoá, xứng đáng là một miền quê đáng sống.

Bùi Thiện Thi ( TUV, Bí Thư huyện ủy Yên Khánh)

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TP NINH BÌNH

Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập